CHỢ NÔNG SẢN - NÔNG SẢN SẠCH - NÔNG SẢN LÀM SẴN - ẨM THỰC TẠI NHÀ
Kinh tế thế giới - viễn cảnh ảm đạm thời Covid-19
Thứ sáu - 23/10/2020 22:42
Đóng cửa chống đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đứng trước một cuộc khủng hoảng với những tác động tai hại hơn mọi dự báo và đà phục hồi chậm hơn so với mong đợi.
Tháng 12/2019, dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc, từ đầu năm 2020, bắt đầu lan tới các quốc gia khác và đặc biệt trở nên “nguy hiểm” tại Mỹ và châu Âu, kéo dài và chưa thể dự báo thời điểm kết thúc. Những sự kiện kinh tế khởi đầu cho năm 2020 chính là các biện pháp phong tỏa mà các nền kinh tế không thể không thực hiện nhằm kiểm soát dịch bệnh. Gần như mọi lĩnh vực của kinh tế toàn cầu tê liệt. Dù đến nay, các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất cũng đang từng bước mở cửa trở lại, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn kém lạc quan.
Khoảng tối chưa từng thấy
Dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục đẩy toàn cầu vào một môi trường đầy bất trắc. Nhận định chung từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đều rất bi quan về viễn cảnh tăng trưởng của thế giới cho giai đoạn 2020-2021.
Kinh tế toàn cầu sau sáu tháng đầu năm 2020 bị nhận định, đã bước vào một cuộc suy thoái tồi tệ, tương tự hoặc thậm chí tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Covid-19 đã cuốn trôi 12.000 tỷ USD của cải trên thế giới.
Trong báo cáo công bố ngày 24/6, IMF đã báo động đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả mọi khu vực địa lý trên toàn cầu, khiến GDP của thế giới thấp hơn đến 4,9% so với năm 2019, tai hại hơn cả vụ Lehman Brothers vỡ nợ khiến 0,1% GDP toàn cầu tan biến. Và khác biệt quan trọng là tất cả các đầu máy kinh tế của thế giới khi đó đã không bị đóng băng cùng một lúc như hiện nay.
Nhìn vào các cột trụ kinh tế thế giới, tại Mỹ, Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ cho biết, nền kinh tế nước này đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử và rơi vào suy thoái trong tháng Hai, do ảnh hưởng của Covid-19. Nền kinh tế số 1 được dự báo giảm 8% trong năm nay
Trong khi, bức tranh kinh tế châu Âu cũng xuất hiện một loạt khoảng tối chưa từng thấy khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt của châu lục. Nền kinh tế Eurozone đã giảm 3,8% trong quý I/2020 khi hoạt động kinh doanh đình trệ, trở thành mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 1995. GDP của 19 nước thành viên Eurozone ước giảm hơn 10%.
Tại Trung Quốc, dịch bệnh đã được kiểm soát song tác động nghiêm trọng về kinh tế đã lộ rõ, dù nền kinh tế này được gọi là một ngoại lệ “may mắn” với dự báo tốc độ tăng trưởng đang từ 6,9% trong năm 2019 rơi xuống còn 1%. GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ tăng 1,3% trong quý II/2020, sau khi ghi nhận mức giảm 6,8% trong quý I/2020, lần suy giảm tăng trưởng lần đầu tiên kể từ năm 1992.
Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản đã lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015, do nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng âm hai quý liên tiếp, tất cả các yếu tố từ tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều ghi nhận sự sụt giảm.
Chúng tôi trên mạng xã hội