Con trẻ chính là tấm gương phản chiếu hành vi của cha mẹ

Thứ tư - 04/05/2022 04:34
Gia đình là trường học đầu đời. Tính cách của một đứa trẻ được phôi thai từ chính trong gia đình. Gia đình là đất đai cho con cái nở hoa. Môi trường gia đình, lời nói và việc làm của cha mẹ sẽ quyết định một cách sâu rộng đến tương lai của đứa trẻ.
Con trẻ chính là tấm gương phản chiếu hành vi của cha mẹ
Cha mẹ là "tấm gương phản chiếu" của cuộc đời con: Phụ huynh sống luộm thuộm, con cái khó thành đạt. Hẳn chúng ta đều biết môi trường giáo dục trong gia đình ảnh hưởng rất nhiều tới tính cách và tương lai một đứa trẻ. Vì vậy, nói không ngoa, con cái chính là "bản sao" của bố mẹ.

Dù có thừa nhận hay không, việc cha mẹ thỉnh thoảng mất kiểm soát trước mặt con trẻ là những khoảnh khắc khó mà tránh khỏi. Có lúc sự giận dữ nhằm răn đe trẻ, có khi là để xả giận cho vấn đề khác, tuy nhiên cho dù vì bất kỳ lý do gì, các hành vi này đều sẽ để lại những ấn tượng tiêu cực khá sâu sắc cho con trẻ. Để có thể giúp cha mẹ hoá giải được nỗi lo lắng này, bài viết sẽ giới thiệu một vài cách thức đơn giản để cải thiện được hành vi và thái độ của cha mẹ trong những lúc căng thẳng nhất.

Nhiều khi cha mẹ quên mất việc con trẻ đang bên cạnh mình, phải chứng kiến cuộc đấu khẩu giữa cha mẹ, hoặc khi cha mẹ đang nổi giận với bản thân, với người khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi trẻ chứng kiến sự giận giữ thiếu kiểm soát quá nhiều, mà không có sự giải thích phù hợp hoặc bị ngó lơ sau khi phải trải nghiệm khoảnh khắc tiêu cực, thì tỷ lệ trẻ có nguy cơ trở nên cáu giận, giận dữ và căng thẳng hơn những trẻ khác nếu được giáo dục trong một môi trường ít căng thẳng hơn.

Để hiểu rõ hơn về bản thân, bạn nghĩ rằng việc soi mình thật kỹ trong gương, hoặc hỏi ý kiến của các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè có thể sẽ hữu ích. Nhưng nếu bạn đang là cha mẹ, đáp án mà bạn đang tìm kiếm có thể được tìm thấy ngay ở đứa con của bạn, chúng chính là tấm gương phản chiếu hành vi của bạn.

Mỗi bậc phụ huynh đều đã từng kinh qua những khoảnh khắc thú vị – hoặc đáng báo động – khi những đứa con của họ thể hiện lại những cách hành xử hoặc lời bỡn cợt của chính họ. Dường như trẻ em có một khả năng kì diệu để trở thành những tấm gương phản chiếu. Chúng có thể phản ánh lại những bất an sâu thẳm nhất, những thói quen, quan niệm và đặc điểm tính cách của cha mẹ chúng. Nhìn thấy mình trong con trẻ có thể vừa thú vị, vừa thương mến, cũng có thể vừa bực bội, hay lại ngượng ngùng xấu hổ. Hơn tất cả, chúng đều mang đến thông điệp nào đấy.

Một cách có thể cải thiện hoà khí trong gia đình và cả mức độ nhận thức về bản thân của bạn chính là nhìn ra được một hiện tượng rằng con của bạn chính là tấm gương phản ánh các đặc điểm mà bạn cần nhận ra ở bản thân mình. Khi con trẻ làm như thế, bạn sẽ có thể nhận ra rằng bạn đã dành cho chúng nhiều sự bao dung, trân trọng hơn và có được cho mình những cái nhìn thấu tỏ hơn về bản thân.

Có thể dễ dàng nhận thấy những phương diện tích cực mà con bạn hoàn toàn giống như bạn. Chẳng hạn như con gái bạn sở hữu sự lanh trí của bạn một cách khó giải thích, hay con trai bạn lại sở hữu khả năng thiên bẩm của bạn trong việc chiều lòng người khác. Tuy nhiên, chính những nét tính cách không tốt mà những đứa trẻ được thừa hưởng từ bạn có thể rất có ích cho bạn một khi bạn chứng kiến điều ấy.

Những cơn bộc phát

Lần tới đây khi bạn đối diện với những cơn bộc phát từ con mình, hãy thử điềm tĩnh quan sát và hiểu điều gì mang lại [cho con] sự khó chịu đó. Hãy tự hỏi mình rằng thứ gì đã khiến con bạn làm phiền bạn, hay liệu cách mà con bạn đang phải chống chọi có giống với bạn không. Bạn có thể bất ngờ với mức độ thấu hiểu của mình khi bạn dừng lại để ngẫm về bản thân, và khi dạy bảo con trẻ, bạn cũng có thể hướng đến việc cải thiện bản thân hơn nữa.

Những thói quen xấu

Khi con bạn lớn lên, chúng cũng sẽ dần hình thành nên những thói quen – có tốt, có xấu. Đặc biệt khi bạn nhận ra những thói quen xấu, hãy nhìn lại mình xem liệu bạn cũng có đang ôm giữ thói quen đó hay không. Có lẽ chúng đang chây lười làm bài tập, chúng không dọn dẹp hoặc cách hành xử của chúng cần được dạy dỗ thêm. Bạn có thể thấy sẽ có ích khi chia sẻ với con bạn rằng chính bạn cũng đang phải khổ sở vượt qua thói quen này và bạn vẫn đang cố gắng cải thiện bản thân mình.

Những nỗi đau về tinh thần

Khi con của bạn đang trải qua nỗi đau về tinh thần, chúng cần sự hỗ trợ và thấu hiểu, cũng như được hướng dẫn cách tự mình vượt qua và lấy lại sự tự chủ. Hãy tự nhìn vào bản thân khi con của bạn đang trong trạng thái cảm xúc này hay cảm xúc khác, điều này có thể giúp bạn đồng cảm với chúng, cũng như cho bạn một cái nhìn về những vấn đề về cảm xúc của chính mình.

Những cư xử không thể chấp nhận được

Khi con bạn bước ra thế giới, chắc chắn chúng sẽ phạm sai lầm, sẽ hành động và cư xử theo cách mà bạn cho là không thể chấp nhận được. Cũng chính tại điểm đó, bạn cũng sẽ thoáng thấy bóng hình của mình [trong đó]. Cách mà con trẻ phản ánh ra có thể sẽ không mấy dễ chịu, nhưng khi nhận ra mặt tiêu cực cũng như tích cực của điều này, bạn sẽ tự nhận thức được chính mình và có một hiểu biết sâu sắc hơn về cách hướng dẫn con cái của bạn.

Một gia đình bừa bộn không thể nuôi dạy những đứa trẻ có triển vọng

Những người thành công với cảm giác hạnh phúc cao có xu hướng sinh trưởng trong một môi trường gia đình rất sạch sẽ và ngăn nắp; những người kém may mắn thường sống trong một môi trường lộn xộn và bẩn thỉu. Trong một gia đình có nhiều đồ đạc bừa bộn thì không thể nuôi dạy một đứa trẻ có nề nếp.

Một giáo viên tiểu học đã kể câu chuyện: Có một cậu bé trong lớp luôn đứng cuối bảng, lười biếng và không có động lực học. Khi ghé thăm nhà học sinh, thầy giáo vừa đẩy cửa bước vào thì choáng váng trước cảnh tượng trước mắt. Chiếc bàn phòng khách đầy những hộp đồ đạc còn sót lại, tàn thuốc và giấy vụn vứt khắp nơi, ghế sô pha cũng đầy quần áo bẩn. Phòng học của đứa trẻ đã được chuyển đổi từ một phòng tiện ích, đầy những hộp giao hàng và một mớ hỗn độn. Nói chung, không nơi nào sạch sẽ và ngăn nắp. Người giáo viên không khỏi thở dài, ông cảm thấy ngột ngạt dù chỉ ở đây 10 phút, làm sao nói đến việc mong các em học hành chăm chỉ trong một môi trường như vậy.

Sống trong một môi trường lộn xộn có tác động rất khác đến sự phát triển của trẻ so với một môi trường sạch sẽ và trật tự. Đơn giản là vì, thói quen của cha mẹ là cách dạy dỗ tốt nhất, có tác động mạnh nhất đến con cái. Cha mẹ có yêu cầu cao với bản thân sẽ không cho phép ngôi nhà quá bừa bộn, con cái cũng vì thế mà không thể dễ dãi với chính mình. Hầu hết những đứa trẻ thích làm việc nhà từ nhỏ đều có triển vọng hơn khi lớn lên. Tạo ra một môi trường sạch sẽ và ngăn nắp không chỉ khiến mọi người vui vẻ mà còn nuôi dưỡng cho trẻ ý thức về sự trật tự, tư duy hợp lý và logic, khả năng tập trung, khả năng lập kế hoạch, quản lý thời gian và khả năng thẩm mỹ.

Thêm vào đó, nó ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các cá nhân trong gia đình. Một gia đình mà các thành viên thường xuyên làm việc nhà cùng nhau sẽ có nhiều hạnh phúc hơn. Hơn cả các yếu tố siêu hình, sạch sẽ là phong thủy tốt nhất cho một gia đình.

Gia đình không biết cách cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc không thể nuôi dạy con cái có kỷ luật tự giác

Cha mẹ là tấm gương phản chiếu của con cái, và hành vi của con cái là sự phản chiếu của cha mẹ. "Quả" hiện tại của con thực ra là do cha mẹ trồng. Một sinh viên trường đại học danh tiếng từng chia sẻ câu chuyện: Cô luôn bị mẹ yêu cầu đi ngủ sớm và dậy sớm. Ngủ trước 9h30 tối, thức dậy 6h sáng. Thói quen này được duy trì từ khi còn học tiểu học cho đến khi vào đại học. Cô vẫn luôn có chút chán ghét mẹ, buổi tối không thể xem thêm phim truyền hình, buổi sáng cũng tuyệt đối không thể ngủ được.

Nhưng khi lên đại học, nhận thấy nhiều sinh viên xung quanh mình ngày đêm đảo lộn, công việc và nghỉ ngơi ngổn ngang, nhưng cô vẫn đi ngủ sớm dậy sớm để học tập và sinh hoạt có nề nếp, có kế hoạch, cô chợt hiểu ra ý nghĩa sâu xa từ hành động của mẹ. Để trẻ hình thành thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm, nhiều bậc cha mẹ đã nghĩ ra nhiều phương pháp nhưng kết quả cuối cùng thường không như ý, chỉ vì họ bỏ qua một yếu tố chính: Các thói quen có đều đặn không? Cha mẹ có thói quen làm việc và nghỉ ngơi nào thì trẻ sẽ hình thành thói quen làm việc và nghỉ ngơi giờ đó. Cha mẹ tự giác thì con cái về cơ bản không lười biếng, cha mẹ không tự giác thì khó nuôi dạy con cái có ý thức tự giác.

Một gia đình không có quy tắc không thể nuôi dạy những đứa trẻ biết ơn

Bạn có biết cách nào khiến một đứa trẻ trở thành một người bất hạnh hay không? Đó chính là nuông chiều con vô lối.  Nỗi buồn lớn nhất của cha mẹ là cho đi tất cả nhưng không thể nuôi dạy một đứa con biết ơn.  Cha mẹ không đặt ra quy tắc cho con cái từ nhỏ, luôn thỏa mãn mọi yêu cầu của con, khi lớn lên trẻ sẽ trở thành những con "sói mắt trắng" (Sói mắt trắng chỉ người vong ơn bội nghĩa). Một ngôi nhà cần có cả sự ấm cúng và quy tắc. Chỉ khi tình yêu và quy tắc song hành với nhau, chúng ta mới có thể nuôi dạy một đứa trẻ biết ơn.

Một gia đình hay cãi vã không thể nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc

Mối quan hệ của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm sinh lý của con cái, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến tinh thần, học tập, nghề nghiệp cũng như các mối quan hệ trong tương lai của trẻ. Tuy trong đa số trường hợp, ảnh hưởng tiêu cực đến con từ sự tranh luận (ở mức độ nhẹ) giữa bố mẹ được coi là nhỏ, nhưng khi bố mẹ mất bình tĩnh, bắt đầu cãi vã hoặc chiến tranh lạnh lâu ngày, thì sự tác động tiêu cực đến con sẽ tăng cao. Trên thế giới có rất nhiều chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề này.

Là cha mẹ, món quà tốt nhất bạn có thể dành cho con mình là một gia đình hạnh phúc và hòa thuận. Người cha tôn trọng và quan tâm đến người mẹ, người mẹ tỏ ra thấu hiểu và ủng hộ người cha, mối quan hệ vợ chồng bình đẳng và thương yêu nhau như thế này mới thực sự là cách giáo dục tốt nhất. Tình yêu thương của cha mẹ là sự vun đắp tốt nhất cho hạnh phúc của con cái.

Gia đình là nơi quan trọng nhất, chính trong tổ ấm mà một người mới bước chân vào đời sống xã hội. Ảnh hưởng của môi trường gia đình đến trẻ em là trực tiếp và sâu rộng nhất. Một bầu không khí gia đình ngăn nắp, kỷ luật, ấm áp và yêu thương cho phép trẻ hình thành những thói quen tốt và có thêm nghị lực để đương đầu với khó khăn suốt đời.

Tác động đến tâm trạng

Không gian nhà càng bừa bộn càng khiến những người sống trong căn nhà cảm thấy bực bội, khó chịu. Vì vậy, sự hỗn độn này hẳn cũng tác động không ít tới tính cách một đứa trẻ, dần dà chúng luôn thấy mình có tâm trạng uể oải, chán nản, không muốn xông xáo, tìm hiểu những nơi mới lạ.

Tác động đến ngoại hình

Nhiều phụ huynh cho rằng con trẻ chưa cần ăn diện và bố mẹ cũng không nên ăn mặc quá cầu kì khiến con trẻ "bắt chước". Tuy nhiên, vì suy nghĩ này mà nhiều phụ huynh lại ăn mặc một cách đơn giản đến mức cẩu thả, chẳng để ý đến hình tượng bản thân trong mắt những người xung quanh. Trên thực tế, việc ăn mặc gọn gàng, đẹp đẽ có ảnh hưởng khá lớn đến hình ảnh, ấn tượng và cách cư xử mà mọi người dành cho họ. Con trẻ học được cách chăm chút ngoại hình sẽ biết cách chăm sóc bản thân, hình thành gu thẩm mĩ tốt ngay từ nhỏ.

Tác động đến hành vi

Để trẻ "sống chung" với sự bừa bộn, trẻ sẽ dần trở thành người sống không có kỉ luật. Sự gọn gàng, sống theo phép tắc khiến cuộc sống tràn đầy năng lượng tích cực. Một đứa trẻ có thói quen sống luộm thuộm không có khả năng tập trung để dọn nhà cửa sạch sẽ, điều này khiến chúng luôn bị phân tâm, không thể làm được bất kì "công to việc lớn" nào.

Tác động đến sức khỏe

Đây có lẽ là tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất khi không gian nhà cửa không được bố mẹ giữ gìn sạch sẽ, gọn gàng. Con trẻ sống trong một môi trường không sạch sẽ, dễ nhiễm bệnh, thể chất ốm yếu, tinh thần mệt mỏi. Để rèn luyện cho con trẻ những tính cách tốt trong tương lai, cha mẹ cần là những "tấm gương" để các con học tập. Người xưa có câu "nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm", há chẳng phải không gian nhà sạch sẽ sẽ tác động tích cực đến tinh thần của mọi thành viên trong gia đình hay sao?

Khi cha mẹ bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, con cái cũng sẽ "bắt chước" muốn được tận tay làm thử những công việc như cha mẹ. Như vậy, trẻ vừa có thói quen giữ gìn không gian nhà cửa sạch sẽ lại học được tính độc lập sớm cũng như biết cách chăm sóc thể chất, tinh thần của mình. Chỉ bằng một hành động đơn giản nhưng cha mẹ đã truyền cho con những bài học vô cùng đắt giá trên con đường khôn lớn, trưởng thành.

Hệ quả của các hành vi ứng xử tiêu cực từ cha mẹ

Ngoài ra, các chuyên gia cũng bổ sung thêm quan điểm rằng những ảnh hưởng tiêu cực từ việc thường xuyên chứng kiến sự tức giận của người lớn xung quanh, có thể khiến trẻ mất tập trung học tập, thậm chí là giảm khả năng thích ứng với thế giới xung quanh. Trẻ con thường coi cha mẹ, những người thân thuộc nhất, là cả thế giới với các em. Do đó, khi cha mẹ cáu gắt,  việc phải chứng kiến cha mẹ giải toả cảm xúc tiêu cực, đối với trẻ tương đương việc phải chứng kiến thế giới của chúng đang bất ổn.

Vậy nên cách cha mẹ biết hoá giải những cảm xúc tiêu cực, biết cách làm mình bình tĩnh trở lại hết sức quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cách trẻ có thể điều tiết tâm trạng của bản thân. Cha mẹ cũng cần giúp trẻ hiểu rằng: con có thể tức giận, có thể bực bội nhưng con không nên có những hành động bộc phát như dùng vũ lực, hoặc dùng từ ngữ cay độc để tổn thương người khác.

Bên cạnh đó, với trẻ ở các độ tuổi khác nhau, cách các con phản ứng với sự giận dữ của cha mẹ sẽ khác nhau. Như ở độ tuổi dậy thì, trẻ khá nhạy cảm và dễ bộc phát bằng những câu trả lời ngang bướng, có thể gây căng thẳng giữa cha mẹ và các con. Cha mẹ có thể thử cố gắng kiềm chế trong vài giây và bước sang một căn phòng khác để cho mỗi bên có không gian riêng. Hành động này có thể giúp cả phụ huynh và trẻ lấy lại được phần nào bình tĩnh trước khi quay trở lại trao đổi cùng nhau.

Một phương án khác là cha mẹ cần nhận ra rằng việc la hét vào mặt đối phương khi giận giữ là không nên, và cha mẹ có thể nói thẳng với trẻ về quan điểm này nhưng đồng thời vẫn nên cứng rắn chỉ ra lỗi sai của con trẻ/ vợ/ chồng mình. Vì việc đổ lỗi cho con cái/ vợ/ chồng khi khiến mình mất kiểm soát sẽ đẩy chính bản thân phụ huynh vướng vào vòng lặp đổ lỗi - tức giận - mất kiểm soát. Do đó, nếu có thể, phụ huynh làm gương cho trẻ bằng việc hứa với con rằng phụ huynh sẽ thật cố gắng để chuyện này không lặp lại.

Hướng dẫn trẻ cách điều tiết cảm xúc tiêu cực

Do con trẻ không có nhiều kinh nghiệm sống, các con sẽ không hiểu được những câu chuyện đằng sau khiến con trở nên buồn bã, khó chịu. Ví dụ đối với người lớn, việc thua một ván của trò chơi có thể chỉ là do may rủi, nhưng đối với trẻ, đó có thể là một sự thất vọng cực kỳ to lớn. Một phần não bộ của trẻ chịu trách nhiệm điều tiết cảm xúc chưa hoàn toàn phát triển, do đó, con trẻ sẽ dễ bị xúc động khi tức giận. Một số gợi ý có thể giúp trẻ luyện tập việc kiểm soát cơn tức giận hàng ngày:

Thay đổi bắt đầu từ chính cha mẹ: Cha mẹ nên tự nhận thức về mức độ tức giận của bản thân và khả năng tự kiểm soát, điều tiết tâm trạng trước khi cố gắng thay đổi điều đó ở con trẻ. Việc la mắng hoặc lớn tiếng với con trẻ khi chúng hư có thể rất dễ dàng, nhưng khi phụ huynh hành động như đang mất kiểm soát trước mặt trẻ, làm sao phụ huynh có thể trông đợi trẻ có thể tự thay đổi được khả năng điều tiết cảm xúc?

Giúp trẻ hiểu rõ các dấu hiệu "đáng báo động": Khi con trẻ đang trong lúc hoàn toàn bùng nổ hoặc tràn đầy cảm xúc, việc cha mẹ cố gắng kiềm chế sự giận dữ bộc phát của trẻ gần như là không thể. Nhưng cha mẹ vẫn có thể hướng dẫn để trẻ nhận ra được khi nào con đang bực mình, khó chịu để trẻ tập điều chỉnh cảm xúc, và các con có thể hạn chế được các hành vi xúc động.

Tìm ra được nguyên nhân: Cha mẹ có thể nhận ra rằng, trong một số trường hợp nhất định, sẽ có người nào đó hoặc chuyện gì đó luôn khiến trẻ cảm thấy buồn bực, khó chịu. Có những yếu tố gây kích thích cho trẻ theo hướng tiêu cực mà cha mẹ luôn cần lưu ý và điều chỉnh để có thể tránh gây kích động cho trẻ. Ví dụ việc dậy sớm đi học có thể trẻ cần thời gian làm quen, trẻ có thể biểu hiện chậm chạp, không hợp tác, mè nheo. Do đó, để có thể giảm thiểu sự cập rập trong việc chuẩn bị đến trường, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ soạn quần áo, cặp sách và những vật dụng cần thiết vào lúc trước khi đi ngủ của hôm trước để sáng hôm sau trẻ có thể thuận lợi sửa soạn cá nhân, thay vì phải dậy sớm để sửa soạn mọi thứ.

Dạy cho trẻ những kỹ năng cân bằng cảm xúc: Khi trẻ đang trong trạng thái tinh thần ổn định, cha mẹ hãy cùng trẻ lên danh sách những biện pháp tích cực có thể áp dụng điều chỉnh các cảm xúc mạnh. Cha mẹ hãy cùng các em trao đổi, thử luyện tập và có thể ghi chú lại và dán ở nhiều khu vực trong nhà. Các kỹ năng ấy cần được điều chỉnh cho phù hợp với độ tuổi của trẻ, và khi trẻ dần trưởng thành, một số kỹ năng, biện pháp cần được thay đổi theo. Một số ví dụ về các kỹ năng trẻ có thể thực hành: hít thở sau, nắm bóp một quả bóng nhỏ trong lòng bàn tay, mở nhạc và trẻ tự do nhảy điệu nhảy giận dữ, tự mình ôm lấy mình thay vì đánh người khác. Với những trẻ lớn tuổi hơn, trẻ có thể dùng cách viết hoặc vẽ hết ra những gì trẻ đang suy nghĩ, sau đó xé vụn những mảnh giấy đó.

Khuyến khích và thường xuyên củng cố các hành vi ứng xử tốt: Cha mẹ hãy trao đổi thẳng thắn với trẻ về những hành vi có thể giúp trẻ tốt hơn và khuyến khích sự cố gắng tích cực của con trẻ. Trong sinh hoạt hằng ngày, cha mẹ có thể nói những câu khích lệ kèm theo lời cám ơn khi trẻ thực hiện như lời dặn dò của cha mẹ: Cám ơn con đã tự giác đánh răng và lên giường ngủ đúng giờ nhé; cha mẹ thấy vui khi con biết tự mình cất cặp sách đúng chỗ trước khi ra ngoài sân chơi với em. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể thưởng cho trẻ bằng cách cho phép trẻ sử dụng iPad hoặc thiết bị di động khác. Đồng thời, các mức hình phạt hoặc cảnh cáo cũng nên được áp dụng triệt để và nhất quán nếu trẻ có hành vi không phù hợp.

Dạy trẻ cách thể hiện quan điểm bằng lời nói: Khi con trẻ có thể kể với cha mẹ hoặc người thân của trẻ về những gì khiến trẻ cảm thấy khó chịu, tức giận, buồn bực, thực chất việc này đã giúp trẻ kiểm soát được cảm xúc tiêu cực của bản thân và hạn chế việc thể hiện ra ngoài nhiều hơn. Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ thể hiện bằng lời nói phù hợp, thay vì để trẻ trút cơn giận bằng các hành động tiêu cực.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Facebook

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây